Chợ Tràng nhộn nhịp ngày tết Đoan Ngọ

Hẳn những người con xa quê không thể nào không nhớ tới quê nhà trong ngày hôm nay. Mồng năm tháng năm âm lịch – tết Đoan Ngọ. Hay nói nôm na như các bạn trẻ ở nơi đây là ” Ngày quốc tế thịt vịt”. Chẳng biết tự bao giờ, người người nhà nhà truyền tai nhau rất nhiều phiên bản về nguồn gốc ngày lễ này. Chỉ biết hoạt động nổi bật nhất là mọi người đều chuẩn bị thịt vịt để ăn uống vào ngày mồng năm. Chợ Tràng vào ngày tết Đoan Ngọ nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Khung cảnh chợ Tràng

Chợ Tràng là một khu chợ của xã Quảng Liên – Quảng Trạch – Quảng Bình. Nằm cạnh một nhánh rẽ của sông Gianh kề ngay đường quốc lộ 12A. Chợ chủ yếu cung cấp thực phẩm cho xã Quảng Liên và các xã lân cận: Quảng Trường, Phù Hóa, Cảnh Hóa. Các sản phẩm được bày bán chủ yếu là nông sản địa phương. Nguồn rau củ quả và thịt cá đều do người dân tự nuôi trồng. Vì chỉ cung cấp cho người dân trong xã nên hầu hết là bán nông sản tự sản xuất. Đặc biệt, chợ Tràng nổi tiếng với mặt hàng chắt chắt. Chắt chắt được người dân đi xúc ngay bên bờ sông bên cạnh. Cho nên luôn cung cấp đều đặn và tươi ngon.

Ngày thường, chợ họp từ rất sớm, từ 5 giờ sáng đến 8 giờ là vãn chợ. Tết Đoan Ngọ, chợ thêm phần nhộn nhịp hơn ngày thường. Từ 4 giờ sáng các xe chở hàng đã tập trung hết ở chợ. Phần lớn là những người bán vịt, bán gà, hoa quả, những thức hàng chủ yếu cho ngày mồng năm. Mọi người đi từ sớm tinh mơ như vậy để tránh cái nắng oi ả của ngày hè tháng 6. Một phần khác là để ” xí ” chỗ ngồi để buôn bán. Một bác bán vịt chia sẻ: Nếu không đi từ sớm có khi phải xách lồng đi bán rong khắp chợ vì không còn chỗ để ngồi bán.

Tết Đoan Ngọ

Ngày mồng 5 là dịp lễ để mọi người trong gia đình tụ tập, ngoài ra cũng là cơ hội buôn bán của các “lái buôn không chuyên”. Mọi người không ai bảo trước ai, sáng sớm mồng năm và cả từ ngày mồng bốn. Hầu hết mọi nhà đều ra chợ, nhà thì xách một lồng gà nhà xách lồng vịt, buồng chuối. Vì món vịt là món không thể thiếu trong trong mâm cỗ mồng năm nên mặt hàng ở chợ hôm nay chủ yếu là vịt. Khắp các góc chợ, vịt bày bán đủ thể loại, từ vịt còn sống kêu quang quác đến vịt đã làm sẵn. Góp phần tạo nên khung cảnh nhộn nhịp cho khu chợ quê.

Về nguồn gốc của ngày tết Đoan Ngọ hay mồng năm thì người dân ở đây truyền tai nhau rất nhiều phiên bản. Người thì nói do vào năm Đoan Ngọ có ông tướng sỹ đuổi đánh khiến giặc tháo chạy như vịt. Người lại nói là theo tập tục của người làm nông, sâu bọ hằng năm gây thiệt hại lớn cho mùa màng. Cần có một ngày lễ để diệt trừ sâu bọ và cả ” sâu bọ” trong cơ thể. Vịt giúp tiêu diệt các loại sâu bọ, ốc bươu ngoài ruộng nên được chọn là vật cúng. Ngoài ra, một số nơi còn có tập tục thanh lọc cơ thể trong mồng năm. Vào đúng 12 giờ trưa, người ta sẽ tắm bằng một loại nước lá. Làm sạch bằng cơ thể bằng chanh. Ngày nay ít hộ gia đình còn lưu truyền tập tục này.

Nguồn gốc như thế nào chẳng rõ, chỉ biết đến ngày mồng 5 tháng năm âm lịch hằng năm. Người người nhà nhà tổ chức các bữa ăn gia đình tụ họp,làm mâm cơm cúng ông bà. Khắp xóm rộn ràng tiếng vịt quang quác. Đến trưa, mùi thơm của vịt quay, nướng, kho, đồng loạt dậy mùi khắp xóm làng. Mùi hương đó, khung cảnh đó hẳn là những ký ức không thể quên trong lòng mọi người. Dù là một đứa trẻ hay đã trưởng thành rời xa quê hương. Ngày lễ mồng năm luôn để lại dấu ấn đẹp trong lòng mọi người. Các bạn đang ở xa nhà đã gọi về hỏi thăm tình hình ăn tết mồng năm ở quê nhà chưa?

Bài viết liên quan

Thông tin tác giả

Thêm bình luận